Tăng giờ làm thêm: Vừa mừng vừa lo

Tăng giờ làm thêm: Vừa mừng vừa lo

Ngày đăng: 30/08/2022

    TP - Với quy định tăng giờ làm thêm, doanh nghiệp được ví như “hạn hán gặp mưa rào”. Tuy nhiên, nếu ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra, giám sát rất dễ dẫn đến kiện cáo, đình công vì người lao động bị ép làm nhưng chế độ không tương xứng.

    Phấn khởi

    Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương, do nhiều nguyên nhân, hầu hết các doanh nghiệp đang thiếu lao động. Bình Dương cần khoảng 100.000 lao động mới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đáp ứng đơn hàng sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Quy định tăng giờ làm giúp doanh nghiệp tận dụng nhân lực đang có, trong khi người lao động phấn khởi vì tăng thu nhập. Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số giờ làm thêm sẽ tăng từ 40 lên 60 giờ trong một tháng và không vượt quá 300 giờ trong một năm.

     

    Tăng giờ làm thêm: Vừa mừng vừa lo ảnh 1

    “Việc tăng giờ làm, không chỉ công ty chúng tôi mà doanh nghiệp khác cũng phấn khởi trong bối cảnh khan hiếm nguồn lao động. Do khó tuyển dụng nên không ít công ty tận dụng nhân sự sẵn có, lén lút tăng giờ, tất nhiên theo nguyện vọng của người lao động. Bây giờ là lúc họ đường đường chính chính làm thêm giờ”, ông Trần Văn Công, Giám đốc Công ty TNHH Thành Công (Bình Dương), nói.

    Ông Nguyễn Tài Đương, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel (Bình Dương), cho hay, đối với lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mang thai; khuyết tật nhẹ suy giảm sức lao động; lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm..., sẽ không áp dụng tăng giờ làm. Với nhóm lao động sức khỏe tốt và được sự đồng ý của họ thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không vượt quá 60 giờ trong một tháng”.

    “Công ty chúng tôi đang cần khoảng 500 lao động nhưng tình hình hiện nay rất khó kiếm đủ. Trong khi đang loay hoay tìm mọi cách để tăng giờ làm thêm, hỗ trợ công nhân thì nghị quyết tăng giờ làm ra đời, chẳng khác nào đang “hạn hán gặp mưa”. Tham khảo ý kiến người lao động, hầu hết họ đồng ý tăng giờ làm để thêm thu nhập trong bối cảnh khó khăn vì bão giá”, ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty SXTM-DV Khí Bình Dương, nói.

    Kiểm soát chặt

    Tăng giờ làm thêm sẽ tăng thu nhập nhưng đối với những người có vấn đề về sức khỏe như chị Trần Thu Lan (làm việc tại một công ty kinh doanh đồ gỗ ở Bình Dương) thì có phần áp lực. “Tăng giờ làm, thu nhập hằng tháng sẽ cao hơn, bớt gánh nặng tài chính khi các mặt hàng hiện nay đều tăng. Dù rất muốn làm thêm giờ nhưng sức khỏe tôi không tốt, sợ không theo nổi đồng nghiệp. Nói là tự nguyện nhưng đồng nghiệp ai cũng làm thêm giờ còn mình ở nhà thật không đành lòng. Nếu tôi làm ít giờ chắc chắn ảnh hưởng đến xếp loại cuối năm”, chị Lan băn khoăn.

    Chị Định Tiểu Vy, làm việc ở Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Bình Dương), bày tỏ, khi áp dụng tăng giờ làm, phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt chung toàn công ty. “Công ty phải tính đến chế độ ăn, uống trong giờ làm thêm cũng như các khoản phụ cấp, thưởng tết cuối năm tương xứng. Với các chế độ của công ty thời gian qua, tôi rất hài lòng”, chị Vy nói.

    Theo ông Nguyễn Thế Thiện, Giám đốc Công ty Tư vấn Luật Bình Dương, khi thực hiện nghị quyết về tăng số giờ làm sẽ có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, không loại trừ việc khi thực hiện tăng giờ làm trong tháng, có thể tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp ép công nhân làm việc quá giờ quy định. Quy định thanh, kiểm tra hiện nay còn lỏng lẻo, một năm các nhà máy chỉ bị kiểm tra một hoặc hai lần, không có gì bảo đảm tháng này làm thêm vài chục giờ, tháng sau sẽ giảm theo quy định.

    “Nghị quyết chưa đề cập cách tính lương làm thêm, chỉ nêu “trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”. Theo quy định, lao động làm thêm các ngày trong tuần nhận ít nhất 150% mức lương bình thường; 200% vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% vào các ngày lễ, tết. Nếu doanh nghiệp giữ nguyên như hiện nay là thiệt thòi cho lao động. Để hai bên cùng có lợi trong việc tăng giờ làm, tránh kiện cáo, đình công, cần phải kiểm soát tốt trong quá trình thực hiện chính sách”, ông Thiện nói.

    Tăng giờ làm thêm: Vừa mừng vừa lo (tienphong.vn)

     

     

    Liên hệ
    Zalo
    Hotline