Hợp đồng phụ là gì

Hợp đồng phụ là gì

Ngày đăng: 30/08/2022

    HỢP ĐỒNG PHỤ LÀ GÌ?

    1. Khái niệm hợp đồng phụ

    Theo Bộ luật dân sự 2015 không quy định định nghĩa về khái niệm của hợp đồng phụ, khái quát dựa trên hiệu lực pháp lý quy định tại khoản 4 điều 402 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Hợp đồng phụ là hợp đồng có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính”

    Để hợp đồng phục có hiệu lực thì phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

    – Hợp đồng phụ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng như điều kiện về chủ thể, nội dung, hình thức …

    – Hợp đồng chính của hợp đồng phụ phải có hiệu lực.

    Vậy hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực luôn phụ thuộc vào hợp đồng chính. Khi hợp đồng phụ đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà Bộ luật dân sự quy định cũng không đương nhiên phát sinh hiệu lực nếu hợp đồng chính chưa có hoặc bị coi là không có hiệu lực.

    2. Hiệu lực của hợp đồng phụ

    Theo quy định tại Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 về Hợp đồng vô hiệu:

    “1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

    1. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
    2. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.“

    Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng là một trong các loại giao dịch dân sự. Do đó, các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu cũng được áp dụng khi xem xét các vấn đề liên quan đến hợp đồng dân sự vô hiệu.

    Theo khoản 4 Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hiệu lực của hợp đồng phụ luôn phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính. Do đó, nếu hợp đồng chính vô hiệu sẽ làm cho hợp đồng phụ vô hiệu theo.

    Tuy nhiên, quy định về hiệu lực của hợp đồng phụ này không áp dụng đối với trường hợp:

    – Các bên có thỏa thuận về việc hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính;

    – Đối với quan hệ giữa hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm và biện pháp bảo đảm sẽ áp dụng theo quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

    Trong quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ thì hiệu lực của hợp đồng chính là độc lập, không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Cụ thể, hợp đồng chính chỉ vô hiệu khi nó vi phạm các quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Mối quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ là mối quan hệ một chiều.

    Tuy nhiên, pháp luật dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về sự phụ thuộc hiệu lực của hợp đồng chính vào hợp đồng phụ. Do đó, nếu các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính thì khi hợp đồng phụ vô hiệu sẽ làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng chính.

    3. Khái niệm của phụ lục hợp đồng

    Bộ luật dân sự 2015 không nêu rõ khái niệm phụ lục hợp đồng là gì. Tuy nhiên tại Điều 24 Bộ luật lao động có quy định:“Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.”

    Từ định nghĩa phụ lục hợp đồng lao động trong Bộ luật lao động, chúng ta có thể hiểu: Phụ lục hợp đồng là văn bản quy định chi tiết một số điều khoản hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng.

    4. Hiệu lực của phụ lục hợp đồng:

    Điều 403 Bộ luật dân sự 2015 quy định phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Bởi vì phụ lục hợp đồng được lập kèm theo hợp đồng. Đồng thời, nội dung của phụ lục hợp đồng cũng không được trái với nội dung hợp đồng cho nên hiệu lực hợp đồng hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng.

    Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

    Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

    Trường hợp phụ lục hợp đồng bị vô hiệu thì hợp đồng vẫn có hiệu lực, tuy nhiên nếu hợp đồng vô hiệu một phần hoặc toàn bộ sẽ dẫn đến phụ lục hợp đồng cũng bị vô hiệu tương ứng với điều khoản bị vô hiệu ở hợp đồng.

    Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về số phụ lục hợp đồng tối đa có thể ký kết, vì thế số lượng sẽ tùy thuộc vào mức độ cụ thể của hợp đồng và tuỳ thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao kết.

    Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì riêng đối với hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng, cụ thể:

    “Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động”.

    Như vậy, các bên chỉ được ký kết phụ lục để sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động tối đa một lần và đảm bảo không làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết.

    Ngoài ra, phụ lục hợp đồng có thể chia làm hai loại:

    – Phụ lục hợp đồng như một phần bổ sung cho hợp đồng chính, quy định chi tiết một số điều khoản và được lập đồng thời với hợp đồng chính. Phụ lục loại này thường quy định cụ thể về công việc thực hiện, tiêu chuẩn, số liệu, giai đoạn, ngày tháng,…theo như hợp đồng chính nhưng chi tiết và cụ thể hơn.

    – Phụ lục hợp đồng để bổ sung hoặc sửa đổi một số quy định của hợp đồng đã được lập trước đó. Phụ lục loại này thường là thay đổi các nội dung của hợp đồng đã lập như: gia hạn, rút ngắn thời hạn hợp đồng, điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trị theo hợp đồng, sửa đổi hoặc bổ sung một số hạng mục công việc thực hiện,…

    Liên hệ
    Zalo
    Hotline