BÌNH DƯƠNG VỚI CHÍNH SÁCH DI DỜI NHÀ XƯỞNG NGOÀI KHU CÔNG NGHIỆP VÀO KHU CÔNG NGHIỆP - NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý
I. KHÁI QUÁT CHUNG
Ngày 31 tháng 10 năm 2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ra quyết đinh phê duyệt đề án “điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh bình dương theo đó đưa ra các tiêu chí và đánh giá các doanh nghiệp phải di dời. Ước tính có đến 2.900 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng.
Theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương và Sở công thương tỉnh Bình Dương (Đơn vị chịu trách nhiệm trong việc trình dự đề án đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, ngoài khu cụm công nghiệp tại địa bản Phía Nam lên các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương)
Phân bố các khu công nghiệp di dời: Hiện tại Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã thực hiện đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, ngoài khu cụm công nghiệp tại địa bản Phía Nam (Bao gồm: Thành phố Thuận An, Thành phố Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên lên các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương. Cụ thể
1. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ cho công tác di dời bao gồm:
Danh sách các khu công nghiệp:
Khu công nghiệp Cây Trường (đang xây dựng), huyện Bàu Bàng, Khu công nghiệp Bàu Bàng 3 (huyện Bàu Bàng); Khu công nghiệp Dầu Tiếng 1A (huyện Dầu Tiếng); Khu công nghiệp Bàu Bàng 4 (huyện Bàu Bàng); Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 2 (huyện Bắc Tân Uyên); Khu công nghiệp Dầu Tiếng 5 (huyện Dầu Tiếng); Khu công nghiệp Phú Giáo 4 (huyện Phú Giáo); Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 4 (huyện Bắc Tân Uyên).
- Danh sách các khu cụm công nghiệp:
- Huyện Dầu Tiếng: 10 Cụm công nghiệp
- Huyện Bắc Tân Uyên: 7 cụm công nghiệp
- Huyện Phú Giáo: 8 cụm công nghiệp
Doanh nghiệp có thể lựa chọn các Khu công nghiệp, Khu cụm công nghiệp được đề cập bên trên hoặc nghiên cứu chủ động di dời vào các khu công nghiệp khác tùy vào tình hình và nhu cầu kinh doanh thực tế.
2. Tiêu chí để thực hiện di dời
04 tiêu chí để xác định Doanh nghiệp có phải thực hiện di dời hay không bao gồm:
Môi trường: doanh nghiệp không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được
Phòng cháy chữa cháy: doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục được
Sự phù hợp với quy hoạch: địa điểm hoạt động của doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030
Chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp: doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị
Riêng đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, nếu cơ sở hoặc doanh nghiệp thuộc tiêu chí "không phù hợp với quy hoạch", nhưng không vi phạm các tiêu chí còn lại thì không thuộc đối tượng buộc phải di dời.
Theo đó, căn cứ vào ngành nghề kinh doanh, điều kiện về cơ sở hạ tầng, quá trình tuân thủ pháp luật và Quy hoạch tại địa điểm sản xuất là tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả tại địa điểm sản xuất hay không? Hay doanh nghiệp phải thực hiện di dời nhà xưởng vào Khu công nghiệp nơi xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, chất thải tập trung. Cụ thể, nếu DN vi phạm 1 trong 3 tiêu chí về quy định Luật Xây dựng, Luật Đô thị, quy định về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục thì thuộc diện không đủ điều kiện hoạt động, bắt buộc phải di dời theo lộ trình. Đối với các DN đảm bảo không vi phạm 3 tiêu chí trên, chưa hết thời hạn sử dụng đất hoặc giấy phép đầu tư… thì thuộc diện không bắt buộc di dời.
3. Kế hoạch di dời:
Đến hết năm 2030 hoàn tất quá trình di dời. Chi tiết, cụ thể cần phải sẽ theo Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã thực hiện đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, ngoài khu cụm công nghiệp tại địa bản Phía Nam lên các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương đang được trình ký lên Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Dương.
4. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (dự tính, tham khảo).
- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng/nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh; Chính sách bố trí quỹ đất phù hợp để phục vụ di dời
- Chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Chính sách hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính
- Chính sách vay ưu đãi hỗ trợ đầu tư mới
- Chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành.
- Chính sách tạo quỹ đất sạch hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân
- Chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng
- Chính sách hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề.
- Chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới đối với các doanh nghiệp di dời, thông qua việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và có cam kết của chủ đầu tư về phục vụ di dời, ưu đãi giá thuê đất, thuê nhà xưởng cho doanh nghiệp di dời.
II. NỘI DUNG CHÍNH
A. PHÂN TÍCH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ DI DỜI NHÀ XƯỞNG VÀO KHU CÔNG NGHIỆP
Cơ sở pháp lý:
Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 790/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 ngày 03 tháng 8 năm 2024;
Luật xây dựng 2014.
Nguyên tắc di dời:
- Việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này đến vị trí khác phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận và bảo đảm giữ nguyên kiến trúc đối với công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn.
- Cơ sở phải di dời toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư, đô thị.
- Việc sử dụng diện tích đất tại vị trí đã di dời của các cơ sở phải di dời thực hiện theo quy hoạch xây dựng của địa phương, quy định của pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường.
- Doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi di dời theo quy định của đề án được trình tại Sở Công thương lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương.
Chế tài khi không di dời theo quy hoạch:
Theo Khoản 3 Điều 42 Luật đầu tư 2020 về nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư như sau:
Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật đầu tư, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Việc không thực hiện nhà xưởng theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương như sau:
Theo Khoản 2 Điều 72 Nghị định 122/2021/ NĐ- CP quy định:
“ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt”. Do đó khi doanh nghiệp không thực hiện quy hoạch đã đươc phê duyệt của tỉnh thì doanh nghiệp bị phạt mức phạt vi phạm hành chính nêu trên.
B. QUY TRÌNH, THỦ TỤC VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ THỰC HIỆN ĐỂ THỰC HIỆN DI DỜI
Nên chuyển vào khu công nghiệp hay cụm công nghiệp?
Khu công nghiệp: Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.
Khu cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp là nơi sản xuất công nghiệp, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cụm công nghiệp phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong khi Khu công nghiệp không xác định quy mô doanh nghiệp.
Bước 1: Xác định kinh phí đầu tư, phương án đầu tư và địa điểm di dời nhà xưởng thực hiện dự án đầu tư
Lập tổng mức đầu tư:
- Đề ra các chi phí cho hoạt động đầu tư bao gồm:
- Chi phí thuê lại đất trong khu công nghiệp
- Chi phí xây dựng và lắp đặt nhà xưởng, trường hợp lựa chọn xây dựng nhà xưởng
- Chi phí thuê nhà xưởng
- Chi phí lắp đặt trang thiết bị hệ thống phòng cháy chữa cháy và xử lý chất thải
- Chi phí thuê đơn vị tư vấn liên quan đến pháp lý, thi công, xây dựng
- Chi phí thủ tục hành chính
- Chi phí thiết bị
- Chi phí bố trí nhà ở cho Công nhân (nếu có)
- Chi phí lập dự án đầu tư
- Chi phí quản lý dự án
- Chi phí khác
- Dự phòng chi phí
- Chi phí, thuế chuyển mục đích sử dung đất/sử dụng mặt bằng
Lưu ý: Nhà đầu tư cần xác định được tổng mức đầu tư của dự án đầu tư = Vốn góp + Vốn huy động + Lợi nhuận để tái đầu tư để thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý đầu tư > (Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương đối với cụm công nghiệp hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương > (Đối với khu công nghiệp).
THỦ TỤC CHUYỂN ĐẾN
Bước 2: Liên hệ với Công ty Hạ tầng Khu công nghiệp để thuê lại quyền sử dụng đất
Thực hiện thủ tục di dời nhà xưởng (xây mới nhà xưởng):
1.Xin giấy phép di dời công trình
Căn cứ khoản 2 Điều 117 Luật xây dựng 2014 quy định về di dời công trình xây dựng như sau:
- Khi di dời công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình phải có giấy phép di dời công trình xây dựng.
2. Tiến hành các thủ tục trong quá trình thực hiện xây dựng như: Khảo sát, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng
3. Thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại Nhà xưởng nằm trong Khu công nghiệp tại Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương
Trường hợp doanh nghiệp không muốn tốn nhiều chi phí thủ tục thì có thể xem xét thuê lại nhà xưởng của bên cho thuê xưởng.
Thuê nhà xưởng:
1. Nhà xưởng để được cho thuê thì phải đáp ứng điều kiện sau:
Theo quy định tại Điều 14 Luật kinh doanh bất động sản 2023 thì Nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh thì phải có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Không thuộc trường hợp đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng, tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý và giải quyết; trường hợp có tranh chấp thì đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật
- Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án
- Không thuộc trường hợp luật cấm giao dịch;
- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ giao dịch theo quy định của pháp luật;
- Đã được công khai thông tin
2. Điều kiện cho thuê của bên cho thuê
Phải đáp ứng điều kiện kinh doanh- ngành nghề cho thuê nhà xưởng đối với doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng (Mã ngành VSIC 6810 - Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê) được đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
Không vi phạm các quy định, yêu cầu của Công ty hạ tầng quản lý khu công nghiệp, Khu cụm công nghiệp để được hoạt động tại khu công nghiệp
Không vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy
Lưu ý:
- Khi lựa chọn địa điểm thuê tại khu công nghiệp doanh nghiệp cần chú ý:
- Ngành nghề:
Cần xem xét ngành nghề có được thực hiện tại địa điểm chuyển đến có phải là ngành nghề thu hút đầu tư tại vị trí chuyển đến không? điều này có thể tham khảo ngành nghề thu hút đầu tư được công bố của Khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyển đến.
Đối với các ngành nghề có công đoạn xi mạ, keo dán trong quy trình sản xuất, gia công thì phải xem xét sự chấp thuận của Công ty hạ tầng khu công nghiệp.
- Điều kiện về phòng cháy chữa cháy: Đáp ứng quy định về pháp luật phòng cháy chữa cháy khi thực hiện di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp
- Môi trường: Quy định về xả thải, tiêu chuẩn xử lý chất thải khu công nghiệp, khu cụm công nghiệp, quá trình tập trung, thu gom chất thải
- Bên cạnh đó, Nhà đầu tư cần xem xét các điều kiện về mặt tự nhiên của địa điểm thực hiện dự án đầu tư, điều kiện thủy văn địa điểm thực hiện dự án đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng và xử lý chất thải của Khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Lựa chọn trong khâu tìm kiếm nhà thầu xây dựng uy tín: Có đủ điều kiện thực hiện kinh doanh và đảm bảo uy tín trong lĩnh vực xây dựng
Bước 3: Thực hiện thủ tục liên quan Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Liên hệ Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương đối với việc di chuyển vào Khu cụm công nghiệp hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp để làm thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
Bước 4: Thực hiện thủ tục đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Liên hệ Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương để thực hiện chuyển địa điểm trụ sở chính công ty HOẶC đăng ký địa điểm kinh doanh HOẶC chi nhánh tại địa điểm Nhà xưởng chuyển đến.
Bước 5: Tìm kiếm và ký các hợp đồng tại khu công nghiệp, các công ty liên quan
- Hợp đồng đấu nối và xử lý nước thải
- Hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt
- Hợp đồng thu gom, vận chuyên và xử lý rác thải công nghiệp
- Đăng ký chủ nguồn thải chất thải quy hại tại Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương
- Hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nguy hại
Bước 6: Thực hiện thủ tục hành chính liên quan đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường (nếu có)
THỦ TỤC CHUYỂN ĐI
Bước 1: Nghiên cứu quy hoạch của tỉnh, kế hoạch sử dụng đất của Huyện
Theo Quyết định số 790/QĐ-Ttg quyết định quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 Phân vùng phát triển toàn tỉnh thành 03 khu vực không gian động lực:
+ Khu vực 1 (gồm thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An): thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng giao thông công cộng TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, chất lượng sống cao;
+ Khu vực 2 (gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát và huyện Bàu Bàng): phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp Vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh;
+ Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng): hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái. Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính... tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Bước 2: Chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng/nhà xưởng, sử dụng đất
- Thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất tại Sở tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương để chuyển đổi công năng sử dụng mặt bằng/nhà xưởng
C. CÁC VẤN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI DI DỜI NHÀ XƯỞNG
a. Vấn đề về môi trường
Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật môi trường và thực hiện các thủ tục hành chính theo pháp luật môi trường.
* Đánh giá tác động môi trường:
Mỗi dự án đầu tư phải lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Khoản 3 Điều 31 Luật bảo vệ môi trường 2020
Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư nhưng chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường thì phải lập đánh giá tác động môi trường và nhận được sự phê duyệt của cơ quan nhà nước. Trường hợp đã có đánh giá tác động môi trường tại địa điểm thực hiện dự án cũ (nơi chuyển đi) Nhà đầu tư thực hiện.
Theo Khoản 4 Điều 37 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 thì quy định trường hợp thay đổi đánh giá tác động môi trường so với kết quả thẩm định báo cáo tác động môi trương, trường hợp Di dời nhà xưởng như sau:
Nếu tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hay thay đổi khác làm tăng tác động môi trường thì thực hiện đánh giá tác động môi trường (thực hiện mới đánh giá tác động môi trường và xin thẩm định báo cáo tác động môi trường)
Đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đang trong quá xin Giấy phép môi trường thì báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận
Tự đánh giá tác động bảo vệ môi trường và đính kèm hồ sơ Giấy phép môi trường trong trường hợp phải xin Giấy phép môi trường
*Giấy Phép môi trường:
Sau khi có kết quả thẩm định Báo cáo tác động môi trường, nếu thuộc trường hợp phải xin Giấy phép môi trường , Doanh nghiệp thực hiện xin Giấy phép môi trường. Trường hợp việc di dời Nhà xưởng vào Khu công nghiệp làm thay đổi các thông tin địa điểm thực hiện dự án làm thay đổi phương thức xả thải
Trường hợp thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường so với giấy phép môi trường thì phải xin đánh giá tác động môi trường sau đó xin Giấy phép môi trường
Trường hợp giữ nguyên tác động đối với môi trường thì làm thủ tục cấp lại Giấy phép môi trường
Cơ sở pháp lý: Khoản 33 Điều 44 Luật bảo vệ môi trường năm 2020
b. Vấn đề về an toàn lao động
Doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện các quy định pháp luật về an toàn lao động trước, trong và sau quá trình di dời để đảm bảo các chế độ cho người lao động. Việc di dời nhà xưởng làm thay đổi địa điểm làm việc. Do đó, Doanh nghiệp phải thỏa thuận với người lao động.
- Trường hợp người lao động không đồng ý làm việc tại địa điểm nhà xưởng mới
Cách 1: Thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ
Cách 2: Làm đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Bộ luật Lao động năm 2019: “Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp di dời theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc. Thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm c Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
c. Trình tự thủ tục đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ:
Bước 1: Xác định lý do chấm dứt HĐLĐ (nhận đơn xin nghỉ việc của NLĐ hoặc lập biên bản thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ)
Bước 2: Ban hành Quyết định chấm dứt HĐLĐ
Bước 3: Lập biên bản bàn giao hồ sơ, tài liệu, biên bản bàn giao tài sản, trang thiết bị
Bước 4: Ký hợp đồng bảo mật thông tin (nếu có)
Bước 5: Giải quyết chế độ cho người lao động
Trường hợp Người lao động đồng ý làm việc tại địa điểm nhà xưởng mới thì Doanh nghiệp thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng với Người lao động, khoảng thời gian người lao động phải ngừng việc do quá trình di dời nhà xưởng:
Theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ luật lao động 2019: Trường hợp phải ngừng việc do di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người lao động được trả lương như sau:
+ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
D. CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CẦN CHÚ Ý TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN DI DỜI
Khi thực hiện di dời dự án đầu tư cần thực hiện các thủ tục pháp lý phù hợp để dự án đầu tư được thực hiện tại địa điểm thực hiện dự án đầu tư. Doanh nghiệp cần:
1. Tuân thủ quy hoạch kế hoạch di dời Nhà xưởng vào Khu công Nghiệp, Cụm công nghiệp của cơ quan nhà nước
2. Lựa chọn ngành nghề phù hợp với quy hoạch tại địa điểm Nhà xưởng được chuyển đến.
3. Lựa chọn Khu công nghiệp, cụm công nghiệp có cơ sở hạ tầng phù hợp với năng lực và hoạt động của doanh nghiệp
4. Chuẩn bị hồ pháp lý phù hợp để thực hiện dự án đầu tư liên quan đến đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các giấy tờ, tài liệu liên quan.
5. Tuân thủ thực hiện các thủ tục pháp lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
6. Bố trí kế hoạch, bố trí người lao động làm việc tại vị trí công việc mới, hỗ trợ người lao động theo kế hoạch nội bộ.
Điều chỉnh cập nhật các hồ sơ giấy tờ tại ngân hàng, thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan.
E. TỔNG KẾT
Đánh giá ưu điểm của việc di dời Nhà xưởng:
- Tại Khu công nghiệp, khu cụm công nghiệp có hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, nơi tập trung nước thải, rác thải), phải trải qua quá trình xử lý mới thải ra môi trường. Từ đó, giúp giảm thiểu chất thải phát sinh trực tiếp với môi trường.
- Cải thiện hình ảnh đô thị
- Giảm tiếng ồn, ảnh hưởng quá trình sinh hoạt của dân cư trong cộng đồng cư dân
Nhược điểm của việc di dời Nhà xưởng:
- Tốn nhiêu chi phí di dời, phá dở, xây dựng mới
- Tốn thời gian thực hiện thủ tục pháp lý liên quan
- Ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh do phải di dời địa điểm kinh doanh
- Liên quan đến địa điểm làm việc, liên quan đến điều chuyển người lao động