Trách nhiệm khi tiết lộ bảo mật thông tin của công ty như thế nào?

Trách nhiệm khi tiết lộ bảo mật thông tin của công ty như thế nào?

Ngày đăng: 28/11/2022
    Kính gửi công ty Luật Bình Dương - Group, tôi có một câu hỏi mong được giải đáp: Công ty tôi đang muốn tìm dịch vụ tư vấn về sự việc liên quan đến bảo mật thông tin trong quá trình sử dụng lao động. Cụ thể như sau:

    1. Hiện Cán bộ nhân viên đang làm việc tại Công ty, sau đó nghỉ việc và sang làm việc cho đối thủ, để ngăn chặn được điều này thì liệu Công ty chúng tôi có thể quy định về việc không làm việc cho đối thủ sau ít nhất là 01 năm kể từ sau khi nghỉ việc tại công ty chúng tôi không? Có biện pháp nào ngăn ngừa được trường hợp này?

    2. Hiện đang có 1 số Cán bộ nhân viên đang làm việc cho Công ty nhưng lại ngầm cung cấp thông tin của Công ty cho đối thủ. Vậy Công ty chúng tôi sẽ quy định nội dung này như thế nào trong Hợp đồng lao động, nội quy lao động của Công ty để đảm bảo tính răn đe, có đủ tính pháp lý.

    3. Cán bộ nhân viên sau khi nghỉ việc tại Công ty, đã thành lập Công ty có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và lôi kéo, xúi giục nhân viên của Công ty chúng tôi sang bên đó làm việc. Vậy chúng tôi có thể quy định và ngăn ngừa nội dung này như thế nào?

    Xin chân thành cảm ơn!

    Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật lao động công ty Luật Bình Dương - Group

    >> Luật sư tư vấn pháp luật lao đông trực tuyến: 0976.282.879

    Trả lời

    Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Bình Dương - Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

    Căn cứ pháp lý:

    • Hiến pháp 2013
    • Bộ luật lao động 2019
    • Luật cạnh tranh 2018
    • Nghị định 75/2019/NĐ-CP

    Nội dung tư vấn:

    1. Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ

    Câu hỏi 1: Hiện Cán bộ nhân viên đang làm việc tại Công ty, sau đó nghỉ việc và sang làm việc cho đối thủ, để ngăn chặn được điều này thì liệu Công ty chúng tôi có thể quy định về việc không làm việc cho đối thủ sau ít nhất là 01 năm kể từ sau khi nghỉ việc tại công ty chúng tôi không? Có biện pháp nào ngăn ngừa được trường hợp này?

    Đối với câu hỏi này chúng tôi xin được tư vấn như sau;

    Vấn đề người lao động nghỉ làm việc tại công ty để đi làm cho công ty cạnh tranh: Theo Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền được làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

    Điều 35.
    1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
    2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. 
    3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

    Theo đó, việc công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp và việc làm, nơi làm việc nên Công ty bạn không thể quy định về việc không làm việc cho đối thủ sau ít nhất là 01 năm kể từ sau khi nghỉ việc tại công ty. 

    Phân tích sâu hơn thì trường hợp người lao động đã cam kết rằng" không làm việc cho đối thủ sau ít nhất là n năm kể từ sau khi nghỉ việc tại công ty" thực tế, việc cam kết này xét về ý nghĩa thực tiễn thì rất khó áp dụng và khi còn là lao động của doanh nghiệp/ công ty thì việc vi phạm cam kết hay vi phạm kỷ luật lao động còn được điều chỉnh bởi quan hệ lao động. Áp dụng các biện pháp pháp lý cho việc vi phạm cam kết trên sau khi người lao động nghỉ việc, chúng tôi không cho rằng đó là biện pháp khả thi. 

    Bởi lẽ, theo cả quy định của Luật chuyên ngành là Bộ luật lao động thì tại Điều 19 của Bộ luật lao động 2019 thì người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động với điều kiện là đáp ứng được yêu cầu đã giao kết.

    Điều 19. Giao kết nhiều hợp đồng lao động

    1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

    2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

    2. Nội dung của nội quy lao động

    Câu hỏi 2: Hiện đang có 01 số Cán bộ nhân viên đang làm việc cho Công ty nhưng lại ngầm cung cấp thông tin của Công ty cho đối thủ. Vậy Công ty chúng tôi sẽ quy định nội dung này như thế nào trong Hợp đồng lao động, nội quy lao động của Công ty để đảm bảo tính răn đe, có đủ tính pháp lý.

    Vấn đề người lao động tiết lộ bí mật doanh nghiệp cho công ty đối thủ: Về vấn đề này bạn có thể quy định trong nội quy lao động của Công ty theo quy định tại Điều 118 Bộ luật lao động 2019:

    Điều 118. Nội quy lao động

    1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.

    2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

    a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

    b) Trật tự tại nơi làm việc;

    c) An toàn, vệ sinh lao động;

    d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

    đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

    e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

    g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

    h) Trách nhiệm vật chất;

    i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

    3. Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

    4. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

    5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Như vậy, nếu nội quy lao động có quy định về vấn đề bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn tiết lộ cho phía công ty đối thủ thì người sử dụng lao động có quyền áp dụng một trong các biện pháp kỷ luật lao động được quy định tại điều 124 Bộ luật lao động năm 2019 "Khiển trách;  Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; Sa thải ".

    Hình tức sa thải được quy định cụ thể tại Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019:

    3. Nhân viên cũ lôi kéo nhân viên của công ty sang công ty khác

    Vấn đề nhân viên công ty của bạn sau khi nghỉ việc lập công ty cùng lĩnh vực kinh doanh và lôi kéo nhân viên công ty bạn: vấn đề này phía công ty bạn khó có thể ngăn chặn việc nhân viên nghỉ làm để thành lập công ty mới cùng lĩnh vực bởi nếu họ đáp ứng được quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp thì họ được cơ quan chức năng chấp nhận cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho  loại  hình công ty họ hoạt động.

    Về việc các nhân viên cũ khi nghỉ việc mời nhân viên công ty đang làm việc tại công ty bạn để sang làm việc cho họ thì thực tế này cũng khó có thể tránh khỏi, bởi nếu việc nghỉ việc đó là đúng quy định của Pháp luật, điều khác biệt là giữa đơn vị làm việc cũ và đơn vị làm việc mới là chính sách áp dụng cho người lao động, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, môi trường làm việc, đặc thù công việc, tính ổn định, cơ cấu tổ chức của mỗi doanh nghiệp là khác nhau bạn nhé, bạn cần tạo nên sự khác biệt và nếu có đơn xin thôi việc của người lao động phù hợp với quy định của Pháp luật và quy định của công ty không trái luật thì điều này bạn cũng nên tiếp cận một cách thoải mái bạn nhé!

    4. Nhân viên sau khi nghỉ việc tại Công ty, đã thành lập Công ty có cùng ngành nghề

    Câu hỏi 3. Cán bộ nhân viên sau khi nghỉ việc tại Công ty, đã thành lập Công ty có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và lôi kéo, xúi giục nhân viên của Công ty chúng tôi sang bên đó làm việc. Vậy chúng tôi có thể quy định và ngăn ngừa nội dung này như thế nào?

    Để bảo vệ bí mật của công ty bạn trước nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh sử dụng thì bạn có thể áp dụng các quy định của pháp luật về cạnh tranh. Theo đó Điều 45 của Luật cạnh tranh năm 2018 quy định như sau:

    Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

    1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

    a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

    b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

    2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

    3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

    4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

    5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

    a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

    b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

    Như vậy, tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó là hành vi bị cấm.

    5. Xử phạt hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh

    Nếu xâm phạm tới bí mật kinh doanh thì sẽ bị xử phạt. Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh như sau:

    Điều 16. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

    1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

    b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

    2. Hình thức xử phạt bổ sung:

    a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

    b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

    Như vậy, việc công ty đối thủ sử dụng bí mật của công ty bạn là hành vi trái pháp luật. Khi rơi vào trường hợp này thì bạn có thể thực hiện các biên pháp pháp lý để bảo vệ công ty bạn trong trường hợp công ty đối thủ sử dụng bất hợp pháp bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của công ty bạn.

    Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi dành cho quý khách hàng, ý kiến tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật và thông tin mà khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra sự tư vấn là để cá nhân, tổ chức tham khảo.

    Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 0976.282.879 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Bình Dương - Group

    Rất mong nhận được sự hợp tác!

    Trân trọng./.

    Bộ phận Tư vấn Pháp luật lao động.

     

    Liên hệ
    Zalo
    Hotline