Thủ tục, quy trình khởi kiện tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế
Đối với các tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế muốn xác định được chủ thể có thẩm quyền giải quyết sẽ phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:
Thứ nhất, thỏa thuận giữa hai bên khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng về cơ quan có thẩm quyền tài phán trường hợp tranh chấp xảy ra.
Thứ hai, nếu hai bên không thỏa thuận được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì điều ước quốc tế về thương mại hàng hóa dịch vụ giữa hai quốc gia (điều ước song phương) hoặc có sự tham gia của một trong hai quốc gia hoặc cả hai quốc gia (điều ước đa phương) sẽ quyết định chủ thể có thẩm quyền tài phán trong trường hợp này
Thứ ba, đối với tài sản tranh chấp là bất động sản thì thẩm quyền tài phán sẽ là cơ quan nơi có tài sản hiện hữu.
Như vậy muốn xác định được thủ tục, quy trình khởi kiện tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế cần xác định chính xác chủ thể có thẩm quyền tài phán từ đó căn cứ vào luật quốc gia hay quy chế làm việc của cơ quan tài phán nếu nó là tổ chức trọng tài hay hòa giải viên quốc tế mới có thể kết luận được.
Thủ tục giải tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế tại Tòa án
Bước 1: Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế theo vụ việc: căn cứ theo điểm khoản Điều 30 BLTTDS 2015 thì đối với tranh chấp liên quan đến kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án.
Xác định thẩm quyền theo cấp của tòa án: những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Những tranh chấp về kinh doanh thương mại còn lại sẽ do Tòa án cấp tỉnh xét xử.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
+ Đơn khởi kiện: Theo Điều 186 BLTTDS 2015, người khởi kiện tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nội dung đơn khởi kiện tuân thủ các yêu cầu theo luật định.
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
+ Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Bước 3: Tòa án thụ lý và giải quyết
– Theo Điều 191 BLTTDS 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
– Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án.
– Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.
Trên đây là những thông tin tư vấn pháp luật của Công Ty Luật Bình Dương - Group hân hạnh đồng hành cùng quý khách hàng trong giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, hãy liên hệ chúng tôi để nhận được tư vấn tận tình – nhanh chóng – hiệu quả nhất.