Quy tắc đạo đức Nghề Luật Sư Việt Nam
LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc)
Chương II
QUAN HỆ VỚI KHÁCH HÀNG
Quy tắc 6. Nhận vụ việc của khách hàng
6.1. Luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, khuyết tật, tình trạng tài sản khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng;
6.2. Luật sư tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ việc theo khả năng chuyên môn, điều kiện của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng;
6.3. Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện dịch vụ; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư;
6.4. Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải xác định rõ các quyền, nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Quy tắc 7. Thù lao
Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải tư vấn cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Quy tắc 8. Thực hiện vụ việc của khách hàng
8.1. Luật sư chủ động, tích cực giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết;
8.2. Trong khi thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư không để tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác chi phối đạo đức và
ứng xử nghề nghiệp làm sai lệch mục đích của nghề luật sư;
8.3. Luật sư không từ chối vụ việc đã nhận, trừ trường hợp bất khả kháng, hoặc pháp luật hay Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư cho phép hoặc được khách hàng đồng ý;
8.4. Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ký nhận và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài liệu, hồ sơ mà khách hàng giao cho mình; hoàn trả tài liệu, hồ sơ khi khách hàng yêu cầu hoặc khi đã giải quyết xong vụ việc và có thỏa thuận về việc trả lại, trừ trường hợp khách hàng chưa thanh toán hết thù lao, chi phí và việc giữ lại tài liệu, hồ sơ phù hợp với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.
Quy tắc 9. Từ chối nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng
9.1. Luật sư từ chối nhận vụ việc của khách hàng trong các trường hợp sau đây:
9.1.1. Luật sư không đủ khả năng chuyên môn hoặc điều kiện thực tế để thực hiện vụ việc;
9.1.2. Khách hàng thông qua người khác yêu cầu luật sư mà người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của luật sư và quyền lợi hợp pháp của khách hàng;
9.1.3. Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư với ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích khác hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu không chính đáng của người khác;
9.1.4. Có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chứng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng không có cơ sở, trái đạo đức, trái pháp luật;
9.1.5. Có sự xung đột về lợi ích theo Quy tắc 11.1 mà không giải quyết được nếu tiếp nhận vụ việc đó;
9.1.6. Khách hàng có thái độ không tôn trọng luật sư và nghề luật sư và không thay đổi thái độ này.
9.2. Luật sư từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:
9.2.1. Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật;
9.2.2. Khách hàng không chấp nhận ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức do luật sư đưa ra, mặc dù luật sư đã cố gắng phân tích thuyết phục;
9.2.3. Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của luật sư;
9.2.4. Có sự đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp mà luật sư không thể đối phó;
9.2.5. Khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện hành vi trái pháp luật;
9.2.6. Có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối luật sư;
9.2.7. Phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Quy tắc 9.1;
9.2.8. Các trường hợp phải từ chối do quy định của pháp luật hoặc trường hợp bất khả kháng khác.
Quy tắc 10. Đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý
10.1. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý theo Quy tắc 9.2, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết;
10.2. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thái độ tôn trọng, xử sự ôn hòa, không dùng lời lẽ có tính chất xúc phạm đối với khách hàng, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của nghề luật sư, danh dự và uy tín của khách hàng.
Quy tắc 11. Giải quyết xung đột về lợi ích
11.1. Xung đột về lợi ích trong hành nghề luật sư là sự đối lập về quyền lợi vật chất hay tinh thần đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra giữa hai hay nhiều khách hàng của luật sư; giữa luật sư, nhân viên, vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư với khách hàng trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó;
11.2. Ứng xử của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong trường hợp có xung đột về lợi ích:
11.2.1. Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư không nhận vụ việc của khách hàng mới có sự đối lập về quyền lợi với khách hàng mà luật sư đảm nhận theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý đang còn hiệu lực thực hiện trong cùng một vụ án hoặc vụ việc khác theo quy định của pháp luật;
11.2.2. Không nhận vụ việc của khách hàng nếu biết vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho người mà luật sư biết rõ là có quyền lợi đối lập với khách hàng đó;
11.2.3. Luật sư trong một tổ chức hành nghề không đồng thời nhận vụ việc của các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau;
11.2.4. Từ chối trong các trường hợp khác có xung đột về lợi ích nếu có quy định của pháp luật.
Quy tắc 12. Giữ bí mật thông tin
Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quy tắc 13. Tiếp nhận khiếu nại của khách hàng
13.1. Khi tiếp nhận yêu cầu khiếu nại của khách hàng, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thái độ ôn hòa, nhã nhặn, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng; nếu không có kết quả thì hướng dẫn khách hàng thủ tục khiếu nại tiếp theo để quyền lợi của khách hàng được giải quyết theo quy định của pháp luật, bảo vệ uy tín của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.
13.2. Việc trả lời khiếu nại của khách hàng được thực hiện bằng văn bản.
Quy tắc 14. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng
14.1. Chủ động xúi giục, kích động khách hàng kiện tụng hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật;
14.2. Sử dụng tiền bạc, tài sản của khách hàng trong khi hành nghề vào mục đích riêng của cá nhân luật sư;
14.3. Gợi ý hoặc đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản của khách hàng cho luật sư hoặc cho những người thân thích, ruột thịt của luật sư;
14.4. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện vụ việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng;
14.5. Đòi hỏi từ khách hàng hoặc người có quyền, lợi ích liên quan với khách hàng bất kỳ khoản tiền chi thêm hoặc tặng vật nào ngoài khoản thù lao và các chi phí kèm theo đã thỏa thuận, trừ trường hợp khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư khi kết thúc dịch vụ;
14.6. Tạo ra các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, bất lợi cho khách hàng để lôi kéo, đe dọa, làm áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc mưu cầu lợi ích bất chính khác từ khách hàng;
14.7. Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích cá nhân;
14.8. Thuê người môi giới khách hàng để giành vụ việc cho mình;
14.9. Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của mình với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc công chức nhà nước có thẩm quyền khác, nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc như là một tiêu chí để khuyến khích khách hàng lựa chọn luật sư;
14.10. Cố ý làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình; đưa ra những lời hứa hẹn tốt đẹp để lừa dối khách hàng;
14.11. Cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết;
14.12. Lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng làm ảnh hưởng tới danh dự luật sư và nghề luật sư;
14.13. Đòi hỏi tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;
14.14. Từ chối vụ việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư, trường hợp bất khả kháng hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Trong trường hợp có căn cứ từ chối, luật sư phải có văn bản thông báo cho tổ chức trợ giúp pháp lý, các cơ quan tiến hành tố tụng và khách hàng biết.