Làm ăn thời hội nhập: Doanh nghiệp cần có luật sư đồng hành

Làm ăn thời hội nhập: Doanh nghiệp cần có luật sư đồng hành

Ngày đăng: 09/11/2022
    Việc có luật sư hay bộ phận pháp chế tham gia thường trực sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tranh chấp với đối tác, khách hàng, cũng như ổn định quan hệ nội bộ.
    Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể sử dụng luật sư (LS) như một công cụ để ngăn ngừa rủi ro để yên tâm phát triển thành công công việc kinh doanh của mình.

    Chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

    Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, DN, của cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội.

    Việc xây dựng - phổ biến - thực thi - giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ biến những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực quan trọng của đất nước…

    (Trích phát biểu của Thủ tướng tại lễ mít-tinh hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022)

    Cần có luật sư trong hoạt động DN

    Thông thường các DN Việt Nam chỉ sử dụng LS khi công việc kinh doanh của họ có phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo và khôn ngoan cần đề phòng các rủi ro và các vấn đề không mong muốn trong tương lai thì sự tham gia của các LS vào hoạt động của DN là hoàn toàn cần thiết.

    Vai trò của LS đối với các DN không phải cho ở giai đoạn có tranh chấp mà ngay từ việc thành lập công ty. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Saporo, Elanco, DKSH…, trước khi quyết định kinh doanh tại Việt Nam thường tham vấn đội ngũ LS rất kỹ càng về các vấn đề pháp lý và môi trường đầu tư của nước sở tại.

    Làm ăn thời hội nhập: Doanh nghiệp cần có luật sư đồng hành ảnh 1

    Các doanh nhân Việt Nam khi có ý định thành lập DN có thể sử dụng LS để tư vấn lựa chọn đúng cơ cấu DN, chọn địa điểm hoạt động, soạn thảo hợp đồng góp vốn… Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nhân Việt Nam thường tự mình thực hiện các công việc này hoặc sử dụng dịch vụ giản đơn để thực hiện các công việc thành lập DN nhằm tiết kiệm chi phí tối đa.

    Trong hoạt động thường niên, các DN sẽ phải tuân thủ một số yêu cầu của pháp luật về DN như: Duy trì tình trạng pháp lý, tổ chức họp cổ đông, ban lãnh đạo, làm việc với các đối tác, bố trí nhân sự… Sự tham gia của LS vào quá trình hoạt động của DN sẽ giúp cho hoạt động quản trị vận hành ổn định và hợp pháp.

    Thiếu vắng sự tư vấn và hỗ trợ của LS sẽ khiến các DN đứng trước nguy cơ vi phạm pháp luật, gặp rủi ro trong hoạt động kinh doanh hoặc phải đối mặt với các tranh chấp giữa các chủ sở hữu cũng như đối thủ cạnh tranh trong nhiều năm liền như dự án.

    Cần luật sư có mặt từ giai đoạn soạn thảo, ký kết hợp đồng

    Các DN Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng, luôn ở vai trò là người yếu thế khi gặp sự cố.

    Ví dụ vụ các container hạt điều trị giá hàng chục triệu USD xuất khẩu. Các DN Việt Nam đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán “nhờ thu”, hay còn gọi là “trả tiền nhận chứng từ D/P”. Rủi ro đã xảy ra bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua ý đã “không cánh mà bay”. Đồng nghĩa với việc người bán Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng số hàng. Vì tập quán vận tải hàng hải quốc tế buộc các hãng tàu phải giao hàng cho người nhận hàng khi họ xuất trình vận đơn gốc tới hãng tàu. May mắn sau đó các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam trong nước và nước ngoài tích cực hỗ trợ để sớm giúp DN thu hồi.

    Việc tham gia của LS giúp giải quyết nhanh chóng và triệt để các tranh chấp. Cụ thể, vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ giữa một DN nước ngoài và một công ty trong nước. LS của hai DN đã trao đổi và tham chiếu quy định pháp luật. LS của công ty trong nước nhận ra sự vi phạm của thân chủ mình. Hai bên đã chọn phương án hòa giải đối thoại tại tòa án. Vụ án nhanh chóng kết thúc.

    Qua đó tôi cho rằng các DN cần có sự hỗ trợ của LS từ giai đoạn soạn thảo, ký kết hợp đồng. Khi có tranh chấp thì căn cứ theo hợp đồng sẽ dễ giải quyết.

    Luật sư giúp DN bảo vệ sở hữu trí tuệ

    Đáng chú ý vai trò của LS trong bảo vệ tài sản của DN. Mỗi DN thường có các tài sản vô hình được pháp luật bảo vệ. Đó chính là những thương hiệu, hàng hóa hoặc dịch vụ đặc thù, quy trình sản xuất…

    Sự tham gia của LS giúp ích cho DN bảo vệ sở hữu trí tuệ, đơn cử như hỗ trợ DN đăng ký thương hiệu, phát minh, sáng chế và đưa ra chiến lược để bảo vệ nó cũng như xử lý khi có vi phạm xảy ra. Vai trò của LS trong lĩnh vực này sẽ mang lại lợi thế cho DN trước các đối thủ cạnh tranh và kinh doanh không bình đẳng.

    Nếu có sự tham gia của LS, việc soạn thảo hợp đồng với đối tác sẽ chặt chẽ hơn, các điều khoản phù hợp từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể, tạo nhiều lợi thế cho DN khi giải quyết các tranh chấp phát sinh.

    Ngoài ra còn phải kêu đến sự tham gia của LS trong công tác nhân sự của DN. Từ đó, DN sẽ có những thỏa thuận với người lao động phù hợp với pháp luật và đảm bảo được lợi ích của cả hai bên.

    DN cần cập nhật sự thay đổi của pháp luật

    Hệ thống pháp luật bao gồm luật và các văn bản dưới luật rất phức tạp, có khi chồng chéo, mâu thuẫn và có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Điều này đòi hỏi DN phải tự nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, phải có các chuyên viên về pháp luật làm việc tại DN hoặc thuê ngoài theo thời gian, vụ việc…

    DN phải đầu tư nhất định vào việc kiểm soát tính tuân thủ pháp luật nhằm tránh, giảm thiểu các rủi ro, tranh chấp, kiện tụng có thể xảy ra. Cạnh đó, việc kiện toàn hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, tránh việc hiểu theo nhiều cách khác nhau, tránh hướng dẫn thực hiện có mâu thuẫn là hết sức cần thiết đối với các cơ quan lập pháp và hành pháp.

    Chú trọng xây dựng đội ngũ pháp chế DN

    Để hạn chế vướng vào các tranh chấp, rủi ro pháp lý thì khâu quan trọng trước tiên là xây dựng đội ngũ pháp chế DN. Hiện nay, nhiều DN coi trọng bộ phận này, hoặc nhân sự pháp chế sẽ kiêm nhiệm vị trí admin, kế toán hoặc nhân sự.

    Tuy nhiên, việc có cá nhân chuyên trách vị trí này sẽ đảm bảo giám sát chặt chẽ các hoạt động pháp lý của DN, bảo mật thông tin. Trường hợp DN nhỏ, có thể xem xét thuê công ty luật tư vấn khi có vụ việc phát sinh.

    Song song đó, cần đào tạo nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của các bộ phận, phòng ban cũng như cấp quản lý. Bởi nếu như pháp chế chỉ ra rủi ro nhưng bản thân các bộ phận, cấp quản lý đã quen với cách giải quyết theo tiền lệ, thực tế thì giá trị các tư vấn của pháp chế đưa ra sẽ không cao. Từ đó, dẫn đến các hoạt động của DN có thể nhanh, đạt lợi ích trước mắt nhưng không bền vững, tiềm ẩn rủi ro pháp lý.

    Liên hệ
    Zalo
    Hotline